Lan tỏa "bách khoa toàn thư" về pháp luật

- Thứ Năm, 09/05/2024, 08:45 - Chia sẻ

Ra đời từ năm 2014 đến nay, Bộ pháp điển được ví như "bách khoa toàn thư" về pháp luật, đã tạo ra những chuyển biến mới trong hệ thống pháp luật, giúp người dân thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. 

Làm sạch hàng nghìn văn bản pháp luật

Nhằm tăng cường tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ tìm kiếm của hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 16.4.2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 03/2012/UBTVQH13 pháp điển hệ thống QPPL. Theo đó, Bộ pháp điển là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành. Các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu các quy định pháp luật.

Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam, ngày 29.7.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển bắt đầu và hoàn thành trong thời hạn 10 năm. Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng, thời gian qua, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Đến nay, công tác pháp điển hệ thống văn bản QPPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Bộ Pháp điển đã cơ bản hoàn thành, với 267/271 đề mục đã được Chính phủ thông qua; khoảng 7.000/9.000 văn bản QPPL của Trung ương được làm "sạch", góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật còn hiệu lực.

Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo LOGO, SLOGAN và Mô phỏng APP của Bộ pháp điển Việt Nam” góp phần lan tỏa Bộ pháp điển tới người dân. Nguồn: Cổng thông tin Pháp điển Việt Nam
Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo LOGO, SLOGAN và Mô phỏng APP của Bộ pháp điển Việt Nam” góp phần lan tỏa Bộ pháp điển tới người dân. Nguồn: Cổng thông tin Pháp điển Việt Nam

Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển hướng đến mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Thực tế, qua quá trình rà soát và xây dựng Bộ pháp điển, các bộ, ngành đã nhận diện nhiều QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế; phát hiện những khoảng trống để kịp thời ban hành văn bản bảo đảm tính đầy đủ của hệ thống pháp luật. Khi tất cả các quy định được sắp xếp một cách hệ thống trong Bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới sẽ được thực hiện dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định trong Bộ pháp điển.

Thuận tiện cho người dân tra cứu

Với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản, Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu; từ đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Ngày 2.2.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển". Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026 với các mục tiêu cụ thể nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay.

Thường xuyên tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Sở Tư pháp thành phố tổ chức, chị Trương Hiền Lương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, với sự phát triển của mạng xã hội, người dân thường rà soát các thông tin pháp luật từ nhiều kênh không bảo đảm, dễ dẫn đến hiểu sai quy định của pháp luật. Với Bộ pháp điển, chị dễ dàng tra cứu thông tin pháp luật chính thống; từ đó mở rộng thêm kiến thức của mình và nhanh chóng trả lời câu hỏi từ các cuộc thi.

Chị Hà Hồng Lưu (Đoan Hùng, Phú Thọ), thành viên của tổ hòa giải ở địa phương, cũng là hòa giải viên có phong cách, kỹ năng hòa giải hay nhất tại Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ IV (năm 2023). Theo chị Lưu, khi hòa giải các vụ việc, nếu không nắm rõ các kiến thức pháp luật, người dân không được giải đáp tường tận thắc mắc sẽ dễ dẫn đến khiếu nại vượt cấp. Khi tra cứu trên mạng xã hội, các nội dung đều chung chung hoặc không ghi rõ nguồn thông tin khiến cho hòa giải viên khó xác định về tính chính xác. Từ khi biết đến Bộ pháp điển, công tác hòa giải của chị cũng dễ dàng, thuận tiện hơn.

Theo đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ pháp điển đã mang lại cho người sử dụng cách tiếp cận theo hướng khác biệt, không theo văn bản riêng lẻ, mà theo lĩnh vực, theo nhóm quan hệ xã hội, theo nhóm vấn đề. Bộ pháp điển bước đầu được người dân đón nhận, khai thác và sử dụng, coi đây là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.

Chú trọng hơn về công tác tuyên truyền

Thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, tính đến đầu tháng 5.2024, đã có hơn 11 triệu lượt truy cập (trung bình mỗi ngày có 3.070 lượt truy cập). Điều đó cho thấy, Bộ pháp điển đã dần được cá nhân, tổ chức quan tâm sử dụng, khai thác thông tin.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng truy cập còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay. Do đó, Bộ pháp điển cần được đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Trương Minh Thắng cho biết, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh tích cực phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; từng bước thay đổi thói quen tìm kiếm, tra cứu quy định pháp luật trong các văn bản QPPL và phát huy hiệu quả của Bộ pháp điển trong quá trình thực hiện giải quyết công việc thường ngày của cơ quan, đơn vị.

Song song với việc lồng ghép nội dung về khai thác, sử dụng Bộ pháp điển vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, Sở cũng thường xuyên tổ chức các Lớp tập huấn đối với báo cáo viên pháp luật và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu về Bộ pháp điển.

Thảo Mộc
#